“Ngày Không tiền mặt năm 2025” đặt mục tiêu tiếp cận hơn 50 triệu lượt người, thu hút hơn 5 triệu lượt tương tác trên mạng xã hội, các kênh truyền thông; đồng thời, thúc đẩy giao dịch không tiền mặt tại TP. Hồ Chí Minh tăng ít nhất 20% trong tháng 6/2025…
Trải qua 6 năm triển khai “Ngày không tiền mặt”, chương trình đã truyền tải, lan tỏa thông điệp, giá trị tích cực của thanh toán không tiền mặt, góp phần định hình và củng cố thói quen, thay đổi hành vi sử dụng các phương thức, phương tiện thanh toán số, khẳng định vai trò chiến lược của thanh toán không tiền mặt trong việc xây dựng một nền kinh tế số hiện đại, minh bạch và bền vững.
Ngày Không Tiền Mặt 2025 tiếp nối hành trình thúc đẩy thanh toán số tại Việt Nam, đánh dấu cột mốc quan trọng sơ kết quá trình thực hiện “Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021–2025”, đồng thời mở ra định hướng mới cho tiến trình chuyển đổi kinh tế số toàn diện. Với chủ đề “Thanh toán không tiền mặt thúc đẩy kinh tế số”, Ngày Không Tiền Mặt 2025 đặt mục tiêu tiếp cận tối thiểu 50 triệu lượt người, thu hút hơn 5 triệu lượt tương tác trên mạng xã hội và báo chí, thu hút 200.000 lượt tham dự trực tiếp, đồng thời thúc đẩy tỷ lệ giao dịch không tiền mặt tại TP.HCM tăng ít nhất 20% trong tháng 6/2025.
Thông tin tại cuộc họp báo – ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, các tổ chức tín dụng cung ứng đa dạng các sản phẩm dịch vụ thanh toán. Qua đó, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của người sử dụng dịch vụ thanh toán cũng như yêu cầu của nền kinh tế. Ông Tuấn đánh giá thanh toán không dùng tiền mặt đã bắt đầu tạo lập thói quen của người dân, doanh nghiệp.
Theo Ngân hàng Nhà nước, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2024 đạt trên 295,2 triệu tỷ đồng, gấp 26 lần GDP của Việt Nam. Cùng thời điểm này Việt Nam đã có tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng đạt 86,97%.
Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tính đến hết quý I/2025, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 44,43% về số lượng. Trong đó, thanh toán qua kênh Internet tăng 40,41%, qua kênh điện thoại di động tăng 39,82%, qua phương thức QR code tăng 81,64%.
Chuỗi hoạt động chính của Ngày Không Tiền Mặt 2025 được triển khai liên tục từ tháng 6 đến tháng 7/2025. Đặc biệt, “Lễ hội Không tiền mặt – Ting Ting Day” sẽ diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1, TP.HCM chính thức khai mạc vào lúc 07 giờ 30 phút ngày 14/6/2025, các hoạt động tại lễ hội diễn ra đến 21 giờ ngày 15/06/2025. Với nhiều không gian trải nghiệm sáng tạo, lễ hội tái hiện sinh động hệ sinh thái thanh toán không tiền mặt, mang đến cho người tham dự cơ hội tương tác với các sản phẩm, dịch vụ thanh toán số trong đời sống hàng ngày. Các nhóm hoạt động nổi bật như Ting Ting Now, Ting Ting Wow, Ting Ting Life, Ting Ting Show (E COINCERT), cùng các trò chơi tương tác, workshop chuyên đề về tài sản số, dự kiến thu hút 90.000–100.000 lượt khách tham dự.
Nổi bật trong chuỗi hoạt động Ngày Không Tiền Mặt 2025 là Hội thảo “Thanh toán không tiền mặt: Động lực tăng trưởng kinh tế số”, tổ chức vào lúc 08 giờ ngày 14/6/2025 tại khách sạn Rex, 141 Nguyễn Huệ, Quận 1, TP.HCM. Hội thảo với sự tham dự của lãnh đạo cơ quan quản lý, ngân hàng, fintech và chuyên gia kinh tế. Hội thảo nhằm sơ kết các thành tựu của đề án, phân tích sự thay đổi hành vi tiêu dùng, đánh giá vai trò, động lực của thanh toán số đối với thương mại điện tử và kinh tế số, đồng thời đề xuất các giải pháp cho giai đoạn 2026–2030.
Bên cạnh các sự kiện trọng tâm, chương trình còn triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng nhằm khuấy động phong trào thanh toán số trong cộng đồng, tiêu biểu như Gameshow “Đấu trường tài chính” dành cho giới trẻ và các minigame… Ngoài ra, chiến dịch livestream “Ting Ting Sale: Không tiền mặt, chốt đơn chất” phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn và các KOLs cũng góp phần thúc đẩy tiêu dùng số.
Theo ông Nguyễn Đăng Hùng – Phó Tổng Giám đốc NAPAS, phương thức thanh toán quét mã QR đang ngày càng phổ biến và len lỏi trong mọi ngõ ngách, từ thành thị đến nông thôn. Trong đó, phải kể đến dịch vụ chuyển nhanh NAPAS 247 bằng mã VietQR do NAPAS phối hợp các ngân hàng, ví điện tử triển khai ra thị trường. Dịch vụ này dựa trên tiêu chuẩn cơ sở về mã QR cho hoạt động thanh toán do NHNN ban hành vào năm 2018, từ đó tạo ra chuẩn chung và tạo điều kiện thuận lợi cho VietQR được triển khai rộng khắp toàn quốc trong 5 năm vừa qua. Ông Hùng cũng chia sẻ thêm, bên cạnh dịch vụ chuyển nhanh NAPAS 247 bằng mã VietQR, dưới sự chỉ đạo của NHNN, trong 3 năm qua, NAPAS đã phối hợp ngân hàng, trung gian thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán bằng mã VietQR trong nội địa (tên dịch vụ là VietQR Pay) và VietQR Global cho các giao dịch thanh toán xuyên biên giới. “Với những mô hình thanh toán tiêu chuẩn, dịch vụ VietQR Pay giúp đảm bảo quyền lợi cho cả người bán và người mua hàng, thông qua việc liên kết giữa giao dịch thanh toán với việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ của người bán ra thị trường” Ông Hùng nói.
Tiếp nối chuỗi hoạt động, chương trình Khuyến mại tập trung – Mùa mua sắm “Shopping Season” năm 2025 do Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh làm đầu mối phối hợp với các cơ quan, đơn vị; các doanh nghiệp, tổ chức có liên quan triển khai gồm hai đợt: từ 15/6 đến 15/9 với chủ đề “Tưng bừng mua sắm Hè 2025” và từ 15/11 đến 31/12 với chủ đề “Rộn ràng mua sắm Xuân 2026”. Doanh nghiệp được chủ động triển khai khuyến mại đa dạng, ưu đãi đến 100%, kết hợp giữa thương mại truyền thống và điện tử. Năm nay, chương trình đẩy mạnh truyền thông số qua mạng xã hội, ứng dụng thanh toán trực tuyến… giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận thông tin. Điểm nhấn nổi bật của chương trình là Khuyến mại hàng hiệu “City Sale” được tổ chức không chỉ ở không gian thực tế (trực tiếp) mà còn triển khai mạnh mẽ trên các nền tảng trực tuyến, mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng, đặc biệt là nhóm người tiêu dùng trẻ, người tiêu dùng ở xa trung tâm hoặc ở các địa phương khác. Đồng thời, chương trình tổ chức bán hàng lưu động – bình ổn thị trường cũng được triển khai với nhiều hình thức ưu đãi thiết thực, hướng đến công nhân, người lao động thu nhập thấp, góp phần hỗ trợ an sinh và kích cầu tiêu dùng.
Ngọc Thương