Một công nghệ mà ngay cả những người không có kiến thức lập trình cũng có thể tạo ra ứng dụng cơ bản đang trở thành mảnh đất tiềm năng cho các công ty công nghệ khai thác.
Thành phố Rotterdam (Hà Lan) muốn thúc đẩy chuyển đổi số, nhưng gặp phải thách thức là thiếu sự hợp tác giữa doanh nghiệp và công nghệ thông tin. Cụ thể, các đội phát triển phần mềm làm việc tách biệt, không tìm được tiếng nói chung và không thể hợp tác giữa các bên. Điều này làm quá trình chuyển đổi số của thành phố bị chậm lại. Chưa kể, việc hợp tác với bên ngoài gây lo ngại về rủi ro dữ liệu.
Năm 2018, thành phố Rotterdam sử dụng giải pháp low-code từ Mendix (thuộc Siemens AG là hãng thiết bị công nghiệp lớn nhất Đức). Nhờ đó, đội ngũ của họ chỉ mất trung bình từ 8-12 tuần để xây dựng một sản phẩm có thể sử dụng được.
Low-code/no code là một phương pháp phát triển ứng dụng nhanh, không cần code, dành cho cả người không có kiến thức, kinh nghiệm lập trình. Theo BlueWing Ventures, hiện nay, việc xây dựng phát triển một ứng dụng theo cách truyền thống có thể mất từ 9-12 tháng. Trong khi đó, một ứng dụng không cần code với độ phức tạp tương đương có thể hoạt động chỉ trong 2-3 tháng.
“No-code mở ra cơ hội cho những nhà phát triển phần mềm không chuyên, chỉ cần họ quen thuộc với logic kinh doanh của ứng dụng. Sự thay đổi trong các ứng dụng được lập trình gây khó khăn cho việc sửa lỗi trong các dòng mã đặc biệt. Với no-code, chỉ có những thay đổi trong logic kinh doanh mới yêu cầu điều chỉnh trong ứng dụng”, BlueWing Ventures nhận định.
Một công ty khác là Kyanon Digital, trụ sở tại Việt Nam và Singapore , đối tác cho các tập đoàn bán lẻ hàng đầu Đông Nam Á, đã phát triển ứng dụng FFA bằng nền tảng low-code. FFA đã giải quyết được việc cung cấp hàng trăm nghìn sản phẩm mỗi tháng, hỗ trợ chỉ định đơn hàng cần lấy, người lấy hàng…
“Low-code giúp tích hợp trí tuệ nhân tạo và mô hình ngôn ngữ lớn một cách nhanh chóng, dễ dàng, ngay cả với người không có kiến thức lập trình. Điều này giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, thời gian phát triển ứng dụng, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất cạnh tranh”, ông Tài Huỳnh, CEO Kyanon Digital nói.
Nghiên cứu của Mendix cho thấy 70% người dùng không có kinh nghiệm phát triển ứng dụng đã học được low-code trong vòng 1 tháng. Còn theo TechRepulic, 60% ứng dụng hiện đang được phát triển không thông qua bộ phận IT.
Theo Gartner, quy mô thị trường low-code/no code đạt mức 10,3 tỷ USD năm 2019 và có thể đạt 187 tỷ USD vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng trên 31%.
Từ đó tạo cơ hội cho các công ty, startup trong lĩnh vực này hưởng lợi. Hơn 4.000 tổ chức ở 46 quốc gia đã sử dụng nền tảng low-code của Mendix. Hơn 300.000 nhà phát triển nhờ low-code của công ty này đã tạo ra 950.000 ứng dụng và con số tiếp tục tăng lên.
Tuy nhiên, câu hỏi băn khoăn là low-code có thay thế công việc của lập trình viên hay không. Ông Phạm Thanh An, Phó Giám đốc Công nghệ tại Hello Health Group (sở hữu nền tảng Hello Bacsi), cho biết low-code chỉ tập trung hỗ trợ nhóm đối tượng không biết code có một giải pháp giải quyết một nhu cầu cụ thể. Phía lập trình viên trong công ty sẽ có thời gian tập trung vào những tác vụ phức tạp, có sức sáng tạo cao hơn, bởi đa phần các bộ phận IT tại các công ty có khối lượng công việc rất lớn.
Ngoài ra, theo ông An, low-code cũng có những hạn chế nhất định. Việc tạo ra một ứng dụng và hoạt động được mới chỉ là bước đầu tiên. Low-code chưa thể làm được các bước tiếp theo như bảo trì, mở rộng, chịu tải… Low-code chưa thể thay thế được các phần mềm thông thường vì khó có thể tùy biến để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
“Khi xây dựng tất cả tính tính năng trên một nền tảng sẽ rất thuận tiện thời gian đầu nhưng sau đó mọi người sẽ bị phụ thuộc vào nền tảng đó. Trong trường hợp xảy ra rủi ro cũng không không kiểm soát được và việc chuyển dữ liệu qua nền tảng khác cũng không dễ dàng”, ông An nói.
Vị chuyên gia công nghệ cũng khuyến nghị doanh nghiệp nên cân nhắc phương án phát triển phần mềm dựa hoàn toàn vào nền tảng low-code. Ở lập trình thông thường, các lập trình viên dễ dàng quản lý code thông qua git, có thể xem lại lịch sử lập trình. Với low-code, thường chỉ có 1-2 người hiểu rõ vận hành của nền tảng này vì rất tốn thời gian, nếu họ rời khỏi doanh nghiệp sẽ không còn tiếp tục được nữa.
“Với doanh nghiệp, đây là một nước đi vô cùng mạo hiểm”, ông An nói.