Ông Đỗ Hữu Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, việc mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với khu vực Bình Thuận – vùng đất hội tụ tiềm năng, đang chuyển mình mạnh mẽ và rộng mở đón nhận các dòng vốn đầu tư mới.
Sáng 30-5, Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Thuận tổ chức Hội nghị gặp gỡ, hợp tác xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Đây là một sự kiện đặc biệt quan trọng nhằm tạo điều kiện gặp gỡ, chia sẻ, quảng bá tiềm năng và cơ hội đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh; từ đó, đẩy mạnh kêu gọi, thu hút các nhà đầu trong và ngoài nước nghiên cứu đầu tư vào các khu công nghiệp.
Hội nghị được diễn ra với sự tham dự của Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp (Bình Thuận, Lâm Đồng, Đặk Nông), Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi trường; các Chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; các cơ quan có chức năng thu hút, kết nối đầu tư (Trung tâm XTĐT Phía Nam, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Thành phố Hồ Chí Minh; Văn phòng JETRO tại Thành phố Hồ Chí Minh; Văn phòng KOTRA tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý các KCX, KCN Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội các doanh nghiệp trong KCX, KCN Thành phố Hồ Chí Minh…).
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, lãnh đạo tỉnh xác định công nghiệp là một trong ba trụ cột kinh tế của tỉnh, quan tâm định hướng phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo và công nghiệp chế biến, trong đó có đầu tư và phát triển các khu, cụm công nghiệp.
Từ một Khu công nghiệp (KCN) Phan Thiết quy mô 68 ha được đầu tư vào cuối năm 1998, đến nay, tỉnh Bình Thuận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào Quy hoạch phát triển 9 KCN với tổng diện tích khoảng 3.000 ha.
Trong đó có 1 KCN chuyên ngành chế biến titan và 8 khu công nghiệp đa ngành. Có 7 KCN đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (gồm: KCN Thiết giai đoạn 1; Phan Thiết giai đoạn 2; Hàm Kiệm I; Hàm Kiệm II; Sông Bình; Tuy Phong; Tân Đức), tổng diện tích hơn 1.393 ha với hơn 500 ha đất sạch đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, sẵn sàng tiếp nhận nhà đầu tư.
Trong Phiên thảo luận, các nhà đầu tư, doanh nghiệp liên tục góp ý kiến, trao đổi một cách cởi mở để tìm ra những giải pháp tốt nhất cho các bên.
Tại hội nghị, Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Thuận đã chia sẻ những thông tin quan trọng như: Tiềm năng thế mạnh của tỉnh, thông tin về quy hoạch, chính sách ưu đãi thuế, thủ tục xây dựng… nhằm bảo đảm rằng đầu tư tại Bình Thuận ngày càng thuận lợi.
Theo bà Trần Thị Hải Yến – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, Thông tin và Hỗ trợ đầu tư phía Nam, những năm gần đây, Bình Thuận đã dần xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực trong lĩnh vực thu hút đầu tư.
Bà Trần Thị Hải Yến cho rằng, với vị trí trí địa lý đặc biệt, là điểm giao thoa của khu vực Duyên Hải miền Trung, Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ. Vì vậy, tỉnh Bình Thuận cần nâng cao khả năng liên kết vùng, từng bước tạo dựng thương hiệu mạnh, tạo sự khác biệt trong thu hút đầu tư, đó sẽ là động lực quan trọng nhằm phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Hữu Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã bày tỏ cảm ơn trân trọng đến các đại biểu quốc tế, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp đã có những chia sẻ sâu sắc, góp phần làm sáng rõ tiềm năng phát triển và cơ hội hợp tác của tỉnh Bình Thuận.
Ông Đỗ Hữu Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, việc mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với khu vực Bình Thuận – vùng đất hội tụ tiềm năng, đang chuyển mình mạnh mẽ và rộng mở đón nhận các dòng vốn đầu tư mới.
Được biết, theo Quy hoạch tỉnh, đến năm 2030, Bình Thuận có 16 khu công nghiệp với quy mô khoảng 7.945 ha và 1 khu kinh tế ven biển với quy mô khoảng 27.000 ha.
Ngọc Thương