Theo thông lệ hằng năm, đông đảo phật tử và người dân cả nước đã sôi nổi hưởng ứng tham gia các chương trình Đại lễ Vu Lan và xá tội vong nhân vào ngày Rằm tháng 7 vừa qua. So với các năm trước, hoạt động lễ hội năm nay có phần đơn giản, tiết kiệm hơn nhưng vẫn giữ được nét văn hóa tín ngưỡng truyền thống của dân ta.
Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, khắp các ngôi chùa lớn lớn nhỏ, vào ngày rằm tháng 7 vừa qua, rất đông người dân và phật tử đến dâng hương, lễ bái, cúng dường. Các hoạt động bao gồm: Chủ yếu là Pháp hội “Vu Lan báo hiếu”, thực hiện nghi thức bông hồng cài áo, dâng hoa, dâng đèn cầu an, cầu siêu cho cha mẹ; Thắp hương, lễ Phật, tụng kinh, nghe pháp, quy y tam bảo…
Nhân đây người dân còn tham gia các thiện sự để gửi gắm những ước nguyện bình an cho bản thân và gia đình như hiến máu nhân đạo, hiến tặng tóc…
Hầu hết, các ngôi chùa thông qua trang thông tin điện tử của mình đã thông báo kế hoạch chương trình đại lễ cụ thể đến phật tử và người dân. Hơn nữa, một số chương trình còn buộc phải đăng ký tham như quy y tam bảo hay hạn chế số lượng người tham dự như thả hoa đăng… Nhờ đó việc tổ chức lễ hội có quy củ, trật tự hơn.
Đặc biệt, một tín hiệu rất đáng được ghi nhận là tình trạng đốt vàng mã tuy vẫn chưa thể chấm đứt nhưng đã giảm một cách đáng kể.
Nếu như các năm trước từ cuối tháng 5, tháng 6 các hộ dân tại “thủ phủ vàng mã” Song Hồ (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đã tất bật “thức đêm thức hôm” để làm ra các loại vàng mã phục vụ nhu cầu cúng lễ ngày Rằm tháng 7 âm lịch… thì năm nay, rằm đã đến bên chân nhưng không khí nơi này vẫn rất đìu hiu. Không còn cảnh nhộn nhịp, tấp nập xe máy, ô tô thương lái ra vào chở đồ cúng lễ tỏa đi khắp nơi.
Trong các chùa chiền và hộ gia đình, việc đốt vàng mã cũng được hạn chế rất nhiều. Thậm chí có nơi bỏ hẳn việc đốt vàng mã. Một phần do được các cơ quan chức năng vào cuộc, tuyên truyền và Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi các phật tử không đốt vàng mã tại các chùa trong dịp lễ Vu Lan, một phần lớn do người dân đã ý thức hơn việc đốt vàng mã không chỉ gây tốn kém, ô nhiễm môi trường, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.
Bên cạnh, đó việc phóng sinh dịp lễ Vu lan năm nay cũng không còn rầm rộ quy mô như các năm trước. Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng.
Vẫn còn một thói quen thuộc về tập quán lâu đời của người Việt trong tháng 7 âm lịch nữa, đó là cúng cô hồn. Hằng năm, người Việt cúng cô hồn kéo dài một tháng, tùy thuộc vào từng gia đình, từng vùng miền khác nhau. Buổi cúng cô hồn thường kết thúc với việc vãi gạo, muối ra sân, ra đường. Ở vài nơi, người ta cho phép trẻ con cướp cô hồn khi việc cúng được tiến hành xong.
Tuy nhiên, mấy năm gần đây, cướp cô hồn xảy ra rất phản cảm. Đối tượng cướp không chỉ là trẻ con mà hầu hết là các bạn thanh niên có cả người lớn tuổi. Họ giành giật xô xát nhau. Đáng phê phán là trường hợp cướp đồ cúng trên tay gia chủ khi buổi cúng chưa diễn ra.
Lễ Vu Lan vào ngày rằm tháng 7 là dịp để chúng ta thể hiện sự hiếu kính. Theo đó, các lễ hội tạ ơn đất nước, tổ tiên, ông bà cha mẹ, tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ, những người đã khuất… là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn rất đáng trân trọng của người Việt ta.
Để gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp lưu truyền cho con cháu muôn đời sau, chúng ta nên hết sức sáng suốt, tránh biến một mỹ tục có từ lâu đời trở thành hủ tục.