Những sự kiện thể thao hoành tráng như Thế vận hội Olympic thường đi kèm các tác động vô hình, những ảnh hưởng kinh tế ngắn hạn và dài hạn trong quá trình chuẩn bị, tổ chức và các hiệu ứng kéo dài những năm sau đó.
Bài 1: Ham muốn tốn kém
Ảnh hưởng ngắn và dài hạn
Tác giả và chuyên gia kinh tế Andrew Zimbalist cho biết, hầu hết các lợi ích kinh tế sẽ bị trừ đi do các khoản nợ và tổn thất kinh tế. Ví dụ: thời gian, nhân công và chi phí dành cho xây dựng một cơ sở lớn có thể làm gián đoạn hoạt động thương mại hàng ngày, chiếm dụng bất động sản có giá trị, kéo các nguồn lực ra khỏi những dự án cơ sở hạ tầng bức thiết hơn và làm cạn kiệt tài nguyên trong tương lai do phải chi trả chi phí bảo trì hoặc thanh toán nợ. Đó là chưa kể nhiều cơ sở hạ tầng ít được sử dụng sau Thế vận hội, bị bỏ hoang hoàn toàn.
Zimbalist cho biết, các tác động ngắn hạn và dài hạn gồm nhiều chi phí “vô hình” như sự di dời cư dân (thường có thu nhập thấp), quá trình đô thị hóa và tác hại môi trường.
“Tôi nghĩ bạn có thể lập luận rằng nó có thể có lợi về mặt tài chính… với suy nghĩ là ‘Ta có thể quảng bá thành phố của mình với thế giới’ dẫn tới tăng cường hoạt động du lịch, kinh doanh và đầu tư’. Nhưng cách nghĩ đó là sai lầm và không chính xác”, Zimbalist nói. Ông cho rằng đây chỉ là những hy vọng hão huyền rằng nếu tổ chức đúng cách thì sẽ mang lại lợi ích cho thành phố.
Amanda Phalin, phó giáo sư chuyên về kinh doanh và kinh tế quốc tế tại Đại học Kinh doanh Warrington của Đại học Florida, chỉ ra việc tổ chức Thế vận hội có ảnh hưởng cộng dồn ngoài ý muốn đến ngành du lịch, dẫn đến xóa bỏ các lợi ích sơ khởi: “Mặc dù các sự kiện thể thao thu hút nhiều khách du lịch, nhưng cũng làm các đối tượng khách hàng khác xa lánh khi không muốn ghé thăm trong kỳ sự kiện bận rộn”.
Nếu muốn tiếp tục gặt hái lợi ích cho ngành du lịch, các thành phố tổ chức cần tiếp tục bỏ tiền vào đầu tư để giữ đà phát triển sau khi sự kiện kết thúc. Bà Phalin chỉ ra một ví dụ điển hình: Sau khi tổ chức Thế vận hội Mùa đông năm 1980, Lake Placid, New York, đã rót hàng trăm triệu đô la vào các cơ sở Olympic của họ, biến chúng thành các điểm đến du lịch và kinh doanh.
Cơ quan Phát triển Khu vực Olympic của Lake Placid cho biết các địa điểm Olympic trong khu vực tiếp tục thu hút du lịch, tổ chức các sự kiện thi đấu lớn (bao gồm thi đấu bộ môn đua xe đạp và thể thao trên tuyết), họ cũng giúp phát triển các vận động viên có tiềm năng và mang lại tác động kinh tế hàng năm là 341,8 triệu USD, theo một nghiên cứu gần đây.
Tương lai bền vững?
Ủy ban Olympic Quốc tế (International Olympic Committee – IOC) và các quốc gia mong muốn tổ chức Thế vận hội hy vọng họ có thể giúp sự kiện này trở nên bền vững hơn về mặt kinh tế, môi trường và xã hội.
Với Thế vận hội Paris 2024, là Thế vận hội đầu tiên tuân thủ “Lộ trình 2020” của IOC gồm 40 khuyến nghị nhằm đảm bảo khả năng tồn tại lâu dài của sự kiện, các nhà tổ chức đã công bố một loạt sáng kiến nhằm giảm tác động của Thế vận hội.
Các nỗ lực bao gồm việc chỉ xây dựng một cơ sở thể thao lớn (một trung tâm thể thao dưới nước hữu cơ, có lượng khí thải carbon thấp, được thiết kế để công chúng cũng như các vận động viên Olympic Pháp sử dụng trong tương lai) và cùng lúc ứng dụng vào các công trình hiện có, hoặc tạm thời để trưng bày các di tích nổi tiếng của thành phố. Họ cũng tìm cách tổ chức các sự kiện với tiêu chí “thể thao bên ngoài sân vận động”.
Nhà tổ chức Paris cũng khuyến khích giảm thiểu lượng khí thải carbon trong công việc tổ chức, sử dụng các trang bị có tác động môi trường thấp hoặc làm từ vật liệu tái chế. Đơn cử là giường dành cho vận động viên làm từ giấy carboard và đồ nội thất làm từ nhựa tái chế, có nguồn gốc từ cầu lông, nắp chai và vải dù.
Ngoài ra, Làng Olympic Paris sẽ được tái sử dụng thành văn phòng và nhà ở cho một khu dân cư nghèo khó. Tuy nhiên, những nỗ lực cải thiện khu vực này đã làm dấy lên lo ngại về việc hàng nghìn người phải di dời và tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa.
Hướng tới Thế vận hội Los Angeles 2028, những nỗ lực tương tự đang được tiến hành cho một Thế vận hội “Không xây dựng”. Các trận đấu thể thao tại LA sẽ không chỉ dựa vào cơ sở hạ tầng hiện có mà một số sự kiện sẽ được tổ chức tại Oklahoma, cách thành phố tổ chức chính 1.300 dặm, nơi có cơ sở vật chất dành cho môn bóng mềm và ca nô slalom.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng, vẫn cần nhiều động thái quyết liệt hơn trong tương lai để Thế vận hội thực sự bền vững và lành mạnh về mặt kinh tế.
Để đảm bảo khả năng tồn tại lâu dài của Thế vận hội, các chuyên gia cho biết có thể chỉ định một thành phố duy nhất hay một nhóm các thành phố luân phiên tổ chức.
Phalin nói: “Tôi yêu mến Thế vận hội và các sự kiện thể thao, nhưng tôi thực sự không nghĩ rằng cách vận hành hiện nay của Olympic là một mô hình kinh doanh khả thi… Về mặt kinh tế, nó rất vô lý khi cứ bốn năm lại phải xây dựng một mạng lưới cơ sở hạ tầng đồ sộ phục vụ cho thể thao”.