Sáng 5/6, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Bến Nhà Rồng. số 1 Nguyễn Tất Thành, quận 4), Sở Văn hóa Thể thao TPHCM đã tở chức buổi ra mắt sách “Đoàn Văn công Giải phóng – Một dấu ấn lịch sử” và trưng bày triển lãm những hình ảnh về đoàn nghệ thuật đặc biệt này.
Đoàn Văn công Giải phóng – Một dấu ấn lịch sử do NXB Tổng Hợp TPHCM ấn hành, được nhà thơ Lê Minh Quốc chấp bút gồm ba phần:Vai sát vai chung một bóng cờ (Bối cảnh và lịch sử hình thành Đoàn Văn công Giải phóng); Chân dung tài hoa ngược dòng thác lũ (Hồi ký của các văn, nghệ sĩ thuộc Đoàn Văn công Giải phóng); Duyên này thì giữ vật này của chung (Bao gồm nhiều tác phẩm của các thành viên trong đoàn, đã từng biểu diễn thời kháng chiến như 50 ca khúc cách mạng, Những lá thư từ tuyến đầu Tổ quốc, kịch ngắn, cải lương…).
Buổi giao lưu chia sẻ đầy thú vị với các nhân chứng lịch sử trong Đoàn Văn công Giải phóng R.
Đoàn Văn công Giải phóng – Một dấu ấn lịch sử đã vẽ lại diện mạo gần như hoàn chỉnh của một thế hệ đánh giặc “không tiếng súng”. Dù chỉ gần 15 năm kể từ khi thành lập, từ năm 1961 đến đại thắng mùa xuân ngày 30/4/1975, Đoàn Văn công Giải phóng đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình góp phần quan trọng trong chiến thắng vinh quang của dân tộc, là minh chứng tiêu biểu cho sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật cách mạng miền Nam, và nghệ thuật giai đoạn hiện nay.
Bạn đọc sẽ gặp lại những nghệ sĩ tài danh một thời ghi dấu ấn đậm nét, như: nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, Vĩnh Bảo, Thế Hải, Trần Mùi, Phan Thao, Lư Nhất Vũ, Hồ Bông, Thanh Trúc, Phan Miêng, Hoàng Việt, Kpa Y Lăng, Hoài Mai; soạn giả: Thanh Nha, Mười Đờn, Thanh Hiền, Phạm Ngọc Truyền, Ngọc Cung; Đạo diễn: Bích Lâm, (đạo diễn, biên kịch) Ngô Y Linh; biên đạo múa Thái Ly; Ca sĩ Tô Lan Phương; nghệ sĩ múa Minh Nguyệt, Phi Yến; diễn viên Huỳnh Anh, Phạm Minh Thu, Quốc Hòa, Mỹ Long,Vũ Việt Cường, Nguyễn Huỳnh Sanh, Hoàng Dũng, Hồ Thanh Quang, Huỳnh Thu, Hồng Cúc, Trịnh Hùng, Mỹ Lệ, Hương Sen, Huỳnh Minh Tuấn, Nguyễn An Long… Dù thiếu thốn, gian khổ, mỗi thành viên của Đoàn Văn công Giải phóng vẫn luôn tự học tập, rèn luyện về chuyên môn, nghiệp vụ để có thể cống hiến nhiều nhất cho kháng chiến.
Từ thực tiễn chiến trường sôi động, những tác phẩm đầu tiên của “nền văn nghệ sinh ra từ trong máu lửa” – theo cách nói của nhà văn Anh Đức – đã ra đời những bài hát như: “Qua sông”, “Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn”, “Câu hát Bông Sen”, “Người sống mãi trong lòng miền Nam”, “Đâu có giặc là ta cứ đi”… Đặc biệt kịch rối “Nghệ thuật tuổi thơ” với sự tham gia của các diễn viên rối trong Đoàn Văn công Giải phóng đã đoạt Giải Bông sen vàng Liên hoan phim lần thứ I (1970), Giải Apsara vàng Liên hoan phim Quốc tế tại Phnom Pênh (1968). Bên cạnh đó còn có nhiều ca khúc, cải lương, kịch ngắn… được Giải thưởng Văn hóa văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu – một giải thưởng cao quý của nền văn nghệ kháng chiến miền Nam.
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, cho hay: “Khi đọc, trong lòng tôi nhớ bao đồng chí đã hy sinh, có người không toàn thân vì bom pháo, bao đồng đội chịu thương tật và bao người đã về miền mây trắng. Tập sách nhắc nhớ bao sự kiện, những cánh rừng, những ngọn đồi, những con suối, những khúc sông chảy xiết vào mùa nước nổi, bao năm tháng ngủ rừng, bao lần chui địa đạo, ăn đói “gạo hẩm cầm hơi”, vượt qua “đồng chó ngáp”, “một điếu thuốc chia đôi”… Họ đã sống bằng măng rừng, cải trời, rau tàu bay, bắp khô, củ chụp, củ báng, lá rừng chấm nước muối nhưng cũng có lúc được ăn tươi khi săn được con mễn, con nai, câu được con cá, trúm được con lươn… Họ cũng thật hồn nhiên đi chân không dép bước trên con đường nhựa vừa được giải phóng hoặc vượt sông Cửu Long giữa ban ngày trước họng súng kẻ thù. Có đồng chí bị giặc bắt vẫn sáng tác bài hát và dạy cho bạn tù hát, có đồng chí bị giặc bắt đã vượt ngục v.v… cũng có người phản bội mình quay về với kẻ thù…”.
“Với tập sách Đoàn Văn công Giải phóng – một dấu ấn lịch sử, phải ghi nhận những người có trách nhiệm đã chọn đúng người, giao đúng việc, nhà văn, nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc với trách nhiệm cao, bằng bút lực khỏe đã tạo nên một chương lịch sử qua ngôn ngữ văn học từ “người thật việc thật”. Có thể tập sách còn có những hạn chế thiếu vắng những con người, những sự kiện cần được ghi nhận và tôn vinh. Tôi hy vọng sẽ nhận được nhiều ý kiến chân thành và sẽ khắc phục được sau khi tái bản”, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, nhận xét.
Ngọc Thương